Khám phá nhà cổ Huỳnh Thủy Lê tại Sa Đéc, Đồng Tháp

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê là ngôi nhà cổ có kiến trúc kết hợp giữa hai lối kiến trúc Đông – Tây độc đáo bậc nhất vùng Nam Bộ. Ngôi nhà trở nên nổi tiếng khắp thế giới khi cuốn tự truyện của nữ văn sĩ Marguerite Duras được chuyển thể thành bộ phim cùng tên (L’Amant) năm 1991.

Mái nhà mang hình thuyền của miền Tây sông nước, trong khi vòm cửa lại thiết kế cong theo kiểu La Mã, chạm khắc các phù điêu hoa lá cây cỏ, chim muông của thế kỷ 17. Kiến trúc phương Tây thể hiện rõ ở phần mặt tiền nhà, trần nhà, khung cửa sổ…, tất cả được trang trí bằng các phù điêu kiểu thời Phục hưng. Vòm cửa cong theo kiến trúc La Mã. Phần kiến trúc phương Đông được thấy qua những đường nét chạm khắc rất sắc sảo và được sơn son thếp vàng như hình chim muông, cây trái và các loại hoa như: trúc, mai, cúc, đào… Mặt ngoài ngôi nhà cổ có kiến trúc phương Tây pha trộn kiểu Hoa.

Nhiều loại vật liệu xây nhà như gạch, kính được nhập từ Pháp. Gạch lát nền nhà kích thước 30x40cm được nhập từ Pháp năm 1917, mặt sau viên gạch ghi rõ nơi và năm sản xuất.Đặc biệt, nền gạch ở giữa nhà trũng xuống vì ông Huỳnh Cẩm Thuận quan niệm “nước chảy về chỗ trũng”, tiền bạc sẽ đổ về nhà ông. Bên trong nhà, một vài vật liệu nội thất như gạch bông, kính màu được nhập từ Pháp, trần laphông gian giữa trang trí rồng, dơi… rất tinh xảo.

Gian giữa nhà là ban thờ Quan Công, tín ngưỡng truyền thống thể hiện sức mạnh và sự phồn thịnh trong cuộc sống của gia chủ. Các bao lam, thành vọng bằng gỗ quý, sơn son thếp vàng, chạm khắc cầu kỳ thể hiện sự quyền quý của những gia đình giàu có ngày xưa. Các cửa gỗ, các loại tủ, giường, bàn thờ đều được chạm khắc rất công phu. Những đồ dùng trong gia đình như tủ rượu, giá sách hay những bộ ấm, bình, đèn, máy hát vẫn được lưu giữ đến ngày nay.

Kiến trúc trong nhà cũng được bày trí theo lối phong thuỷ tứ linh, nhưng là Long – Lân – Bức – Phụng chứ không phải Long – Lân – Quy – Phụng như truyền thống. Hình tượng con dơi thay thế cho con rùa trong tứ linh được xem là ví dụ biểu trưng về quá trình giao lưu văn hóa của người Hoa khi đến vùng sông nước miền Tây.

 

Ảnh: Lê Lam Nhật Tân

Thoát