Những cung đường đèo được bình chọn nhiều nhất năm 2021

Bình Chọn
Bên cạnh những thác nước đẹp ảo diệu, chương trình “Top 7 Ấn tượng Việt Nam 2021” cũng đã tìm ra những cung đường đèo ngoạn mục do độc giả Sài Gòn Tiếp Thị bình chọn.

Đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang)

Ảnh: Tuấn Nguyễn

Mã Pí Lèng là một trong “tứ đại đỉnh đèo” hùng vĩ ở vùng núi phía bắc nước ta. Đèo Mã Pí Lèng nằm ở độ cao 1.200 m, thuộc cao nguyên đá Đồng Văn. Cung đường đèo này có chiều dài khoảng 20km, nằm trên con đường Hạnh Phúc nối liền Đồng Văn – Mèo Vạc. Từ đỉnh Mã Pí Lèng nhìn xuống, khung cảnh núi non hùng vĩ với một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu sông Nho Quế nước xanh màu ngọc bích.

Năm 2009, khu vực Mã Pí Lèng được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia. Theo đó, danh lam thắng cảnh Mã Pí Lèng bao gồm: đèo Mã Pí Lèng được coi là khu vực di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan; khu vực đỉnh đèo được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam; hẻm vực sông Nho Quế là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

Đèo Khau Cốc Chà (Cao Bằng)

Ảnh: Trần Giáp

Khau Cốc Chà là con đèo nổi tiếng bậc nhất ở Cao Bằng bởi hình dáng, đường đi hiểm trở. Cung đường đèo nằm trên quốc lộ 4A, dài 2,5 km, kéo dài từ xã Xuân Trường đến tận trung tâm Bảo Lạc (một huyện giáp biên giới Trung Quốc).

Nhìn từ trên cao, con đèo mềm mại như dải lụa khổng lồ vắt qua núi. Đèo Khau Cốc Chà còn được gọi là đèo 14 tầng, vì từ chân đèo lên đỉnh có 14 khúc cua dốc, dựng đứng và hạ độ cao nhanh. Thời gian lý tưởng để chinh phục đèo Khau Cốc Chà vào khoảng từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau. Đây là khoảng thời gian có ít mưa, rất thuận lợi để đi đường đèo núi.

Đèo Ô Quy Hồ (Lai Châu)

Ảnh: Nguyễn Phi Linh

Đèo được biết đến với nhiều cái tên như đèo Ô Quý Hồ, đèo Hoàng Liên Sơn hay đèo Mây. Đèo Ô Quy Hồ trải dài từ Sa Pa với một phần nằm ở phía Lào Cai, phần còn lại thuộc tỉnh Lai Châu và kết thúc tại ngã ba huyện Tam Đường. Nằm ở độ cao 2.035m so với mặt nước biển, đèo Ô Quy Hồ được dân địa phương gọi là “cổng trời” do trên đỉnh đèo quanh năm mây phủ. Năm 2013, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận kỷ lục Ô Quy Hồ là con đèo dài nhất Việt Nam.

Vào mùa đông, đèo Ô Quy Hồ thường có băng tuyết phủ kín. Mùa hè thời tiết ở đây khá lý tưởng, mây trắng bồng bềnh, không khí mát mẻ trong lành. Nhiều người thường ví phong cảnh mùa hè ở đỉnh đèo Ô Quy Hồ đẹp tựa chốn bồng lai.

Dốc Chín Khoanh (Hà Giang)

Ảnh: Lê Dân Nam

Dốc Chín Khoanh là con đường núi cheo leo nối xã Phố Cáo với xã Sủng Là, thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Đúng như cái tên, con dốc này có chín khoanh là chín khúc cua, trong đó có năm khúc cua tay áo nguy hiểm và bốn khúc cua vòng chữ U rất khó đi. Dù là con dốc nổi tiếng nhất nhì Hà Giang nhưng Dốc Chín Khoanh chỉ là dốc “con” của một con dốc khác – dốc Bắc Sum.

Xưa kia, tương truyền rằng, cặp đôi nào đi chợ Phố Cáo mà cùng nhau leo hết những khoanh dốc này sẽ nên duyên vợ chồng. Chinh phục được dốc Chín Khoanh là cảm giác của sự viên mãn, niềm vui sau khi kiên trì cùng nhau đi đến cuối con đường.

Đèo Hải Vân (Thừa Thiên Huế)

Ảnh: Trung Châu

Đèo Hải Vân là con đèo ranh giới giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế. Hai bên cung đèo là rừng núi và đại dương bao la, bát ngát. Thả tầm mắt từ trên cao nhìn xuống sẽ thấy cung đường đèo quanh co, uốn lượn như một tấm lụa phất phơ trong gió tạo ra khung cảnh nên thơ, trữ tình.

Đèo Hải Vân từng lọt top những đường đèo đẹp nhất thế giới và cũng thuộc top những con đèo hiểm trở nhưng mang vẻ đẹp ấn tượng bậc nhất tại Việt Nam. “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” là một biệt danh được vua Lê Thánh Tông đặt trong một lần ông đi công du qua đoạn đèo này.

Cung đường đèo chữ M (Hà Giang)

Nếu như các địa điểm như đèo Mã Pí Lèng, đèo Ô Quy Hồ… đã là cái tên quá quen thuộc với khách du lịch thì “cung đường chữ M” lại được ít người biết đến hơn.

Ảnh: Mananya Techalertkamol

Trên hành trình từ Mèo Vạc đi Yên Minh về thành phố Hà Giang, du khách sẽ thấy một đoạn đường quanh co hình chữ M trải dài tuyệt đẹp. Con đường này thuộc dốc Bắc Sum. Quá trình mở đường vô tình tạo ra con đường chữ M với khúc uốn mềm mại, uyển chuyển.

Quang cảnh đầu tiên lọt vào tầm mắt khi đến đầu dốc đó là vẻ đẹp của dãy núi phía sau, ôm lấy thung lũng nơi có chữ M nằm giữa một không gian rộng lớn.

Đèo Khánh Lê nằm trên quốc lộ 27C, nối thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) và thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), được xem là tuyến đường huyết mạch của hai thành phố nổi tiếng về du lịch.

Ảnh: khanhhoa.tv

Cung đường đèo chia hai vùng khí hậu rõ rệt. Phía sườn Đông con đèo thuộc tỉnh Khánh Hòa, mang đậm khí hậu nhiệt đới với gió biển. Đến giữa đèo có sự pha trộn giữa gió biển và gió núi lành lạnh đặc trưng từ cao nguyên Lâm Viên (tỉnh Lâm Đồng), khi đến địa phận Lâm Đồng (phía sườn Tây) thời tiết trở nên se lạnh.

Cung đường dẫn đến đèo Khánh Lê là những lối đi quanh co giữa hai hàng thông cao vút tỏa bóng xanh mát. Khi những cánh rừng thông thưa dần là lúc cả ngọn đèo Khánh Lê hiện ra trước mắt du khách như một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.

Nhật Long

Thoát